Được tạo bởi Blogger.
Booking Tin bài PR, Banner, TikTok, YouTube, Fanpage: ▶ TẶNG NGAY 1 BANNER SIDEBAR

Đạo diễn Nguyễn Bảo Hoàng - Người phía sau những chương trình ấn tượng của đồ án sinh viên

Với kinh nghiệm chuyên môn về báo chí, cả sân khấu lẫn điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Bảo Hoàng được biết đến qua nhiều dự án truyền thông lớn, tổng đạo diễn các sự kiện văn hóa – lễ hội lớn nhỏ trong ngoài nước và rất nhiều chương trình truyền hình, trực tiếp ca nhạc từ những năm 2002. Anh còn là đạo diễn trẻ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nhận học bổng toàn phần thạc sĩ sân khấu – điện ảnh tại ngôi trường dành cho các ngôi sao Trung Quốc năm 2019.


Là đạo diễn nổi tiếng và hoạt động trong lĩnh vực sân khấu và tổ chức biểu diễn từ những năm 2002, anh nghĩ thế nào về công việc tổ chức sự kiện với sinh viên truyền thông đa phương tiện?

Theo tôi, tổ chức sự kiện là một nghệ thuật kết hợp giữa sự sáng tạo, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản trị đội ngũ nhân sự và khối lượng công việc quy mô lớn. Cá nhân tôi nhận thấy làm sự kiện các em sinh viên ngành đa phương tiện sẽ áp lực nhiều vì yêu cầu môn học khá cao, đòi hỏi phải đảm bảo hoàn hảo giữa nghệ thuật tổ chức, kỹ thuật sân khấu và đa phương tiện. Áp dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là sử dụng video, livestreaming, các phương tiện truyền thông trực tuyến vào trong sự kiện các em tổ chức.

Anh có thể chia sẻ rõ hơn bằng cách nào để các sinh viên yêu thích môn học này? Lộ trình hướng dẫn của anh ra sao?

Tôi đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn các em quy trình tổ chức, về kĩ thuật dàn dựng chương trình, biên tập, thậm chí uốn nắn các em từ lỗi chính tả trong kịch bản, màu sắc và chữ trong các mẫu thiết kế, hoặc tư vấn nên “biến tấu” chương trình ra sao cho thu hút, làm việc với khách mời ra sao... Tôi kiểm tra rất kĩ và tổ chức đánh giá năng suất nhóm, hiệu quả công việc theo từng tuần để đảm bảo các em đi đúng hướng và tránh sai sót, rủi ro.



Trong suốt thời gian các em học, tôi chỉ gợi ý, vẽ kế hoạch và kể các kinh nghiệm cho các em, còn làm sao để đồ án tốt nhất thì cho các em tự phân tích, nhìn nhận và bàn bạc cùng nhóm rồi triển khai theo cách các em mong muốn. Kết quả sau cùng sẽ là “tài sản” của các em và các em phải chịu trách nhiệm với kết quả đó. Sau quá trình thực chiến cùng nhau, các em đã hiểu và dần yêu thích sự kiện hơn.

Cụ thể hơn, sinh viên ngành đa phương tiện sẽ học môn tổ chức sự kiện văn hóa này với anh như thế nào?

Với cách tiếp cận lý thuyết kết hợp thực hành, tôi không chỉ hướng dẫn sinh viên về quy trình và các kỹ năng cốt lõi trong tổ chức sự kiện mà còn chú trọng vào việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng ứng phó với những tình huống thực tế, từ việc xử lý sự cố đến việc tạo dựng không gian sự kiện ấn tượng. Tôi rất chú trọng tính thực tiễn, đòi hỏi các em phải khảo sát thực tế và tìm hiểu nguồn gốc mọi vấn đề, phải làm đúng nội dung về văn hóa. Trong suốt quá trình thực hiện, bản thân tôi luôn đặt nhiều câu hỏi mang tính rủi ro cao để các em tìm phương án khắc phục. Các em rất căng thẳng, đôi khi muốn bỏ cuộc vì những yêu cầu của tôi, nhưng khi sự kiện kết thúc thì các em mới hiểu tình huống đó cần làm vậy và cảm ơn vì độ khó của tôi.

Được biết anh cũng có chuyên môn về điện ảnh, tham gia các dự án sản xuất phim với Trung Quốc, từng làm phim web drama tạo được làn sóng hâm mộ của giới trẻ, vậy anh có tính sẽ chuyển ngành dạy về điện ảnh?

Tôi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành đạo diễn Sân khấu và Điện ảnh của Học viện Hí kịch Trung ương Trung Quốc theo diện học bổng toàn phần của Chính phủ, tôi cũng tốt nghiệp đại học đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình của Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật Điện ảnh – Truyền hình của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Hơn 20 năm lăn lộn với đủ các loại chương trình, trong đó hơn 8 năm tiếp xúc môi trường đào tạo nghệ thuật nước ngoài. Cả sân khấu và điện ảnh tôi đều có nghiên cứu, có kinh nghiệm và văn bằng, nghiệp vụ chuyên môn nên tôi đều có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các trường đại học hiện nay.



Tuy nhiên, tôi vẫn tâm huyết với sân khấu – sự kiện nhiều hơn, vì tôi trưởng thành từ sân khấu. Tôi không nghĩ sẽ chuyển sang hẳn điện ảnh, nhưng với sinh viên đa phương tiện ở các trường, tôi đều có thể hướng dẫn các bạn một cách tốt nhất những kĩ năng cần thiết khi cần.

Anh hiện đang giảng dạy kĩ thuật biểu diễn cho sinh viên diễn viên kịch – điện ảnh chuyên nghiệp ở Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, theo anh thì sinh viên ngành đa phương tiện có cần học diễn xuất không?

Tôi nghĩ là cần, có thể không quá tập trung nhưng đây cũng là kiến thức cơ sở cho các em ngành đa phương tiện. Bởi khi các em đảm nhận vai trò đạo diễn hoặc sản xuất phim thì các em vẫn phải liên quan với việc chỉ đạo diễn xuất hoặc đánh giá tuyển chọn diễn viên. Sinh viên đa phương tiện của Đại học Hutech có học với tôi môn “Công nghệ trình diễn” và được trải nghiệm thực hành diễn xuất với đầy đủ kiến thức chuyên môn của diễn viên. Qua buổi thực hành đó, các em sẽ cảm nhận được độ khó cũng như hiểu phần nào về các kĩ thuật diễn, cách dàn cảnh cơ bản để tự tin trao đổi, chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên khi ra hiện trường quay.


Còn sinh viên diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh thì sao?

Các em cần học chính là kĩ thuật biểu diễn, nhưng bên cạnh đó tôi luôn cùng các em tìm hiểu thêm công nghệ sân khấu hiện đại, các khuynh hướng sáng tạo, kĩ thuật diễn xuất của các trường đào tạo nước ngoài. Có thông tin gì mới về chuyên ngành này tôi đều chia sẻ cho các em xem. Các em tự quay, tự dựng phim giới thiệu cho buổi thi. Tôi hướng dẫn các em sử dụng thiết bị, lắp ráp chỉnh đèn màu sân khấu cơ bản, các em tự thiết kế poster, tự tổ chức chụp ảnh, và lên kế hoạch truyền thông. Bây giờ, cứ đến mùa thi thì các em tự tin chia nhau làm hết những việc đó một cách bài bản đúng quy trình sản xuất. Ở thời đại số, nếu chỉ biết diễn tốt thì chưa đủ, sinh viên nên thích ứng với sự phát triển của xã hội, tận dụng các phương tiện truyền thông mới và đưa công nghệ vào trong ngành của mình. Có tư duy về công nghệ, hiểu biết về kĩ thuật chưa khẳng định sinh viên đó giỏi, nhưng ít ra đó là nền tảng của sự phát triển nghề, giúp các em không bị “lỗi thời” với xung quanh.

Suốt quá trình làm nghề rồi đi dạy, nếu để nói lời cảm ơn đến các thầy của mình thì anh sẽ nói với ai?

Tôi rất biết ơn người thầy đầu tiên trong nghệ thuật của tôi là NSUT, đạo diễn Phạm Huy Thục (nguyên phó hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), người đã chỉ tôi những nét diễn đầu đời của diễn viên. Sau đó là NGUT, đạo diễn Nguyễn Văn Phúc, người thầy đã khơi gợi sáng tạo để tôi làm đạo diễn và thành công với vai trò này. Người thầy thứ ba là giáo sư Hà Khả Khả, thầy hướng dẫn tôi suốt những năm tôi học ở Bắc Kinh, cho tôi nhiều kiến thức và các mối quan hệ tốt. Cuối cùng, là giáo sư Từ Tường, nguyên Viện trưởng Học viện Hí kịch Trung ương. Ngày tốt nghiệp, thầy ôm tôi và dặn dò tôi tiếp tục làm người truyền nghề, đưa kiến thức nghệ thuật lan tỏa đến các thế hệ sau dù là ở Trung Quốc hay ở Việt Nam. Tôi cũng được mở lời cho một suất học bổng tiến sĩ tiếp theo. Chính sự tự hào của thầy dành cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Khi về nước thăm nhà, tôi quyết định ở lại và chọn công việc đào tạo liên quan đến nghệ thuật, lui về sau lưng làm chỗ dựa cho các học trò của mình.



Cảm ơn anh, chúc anh sức khỏe và đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên có kiến thức nghề và nghiệp vụ làm nghề!

Ivan Nguyen
Tham khảo thêm
Liên hệ tin bài, họp báo, bảo trợ truyền thông: media@goldstar.com.vn