Với tấm lòng cao cả và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Đặng Ngọc Tiến (27 tuổi) đã thành lập câu lạc bộ "SOS Đà Nẵng - Hãy trả phí bằng nụ cười của bạn", trở thành những "hiệp sĩ" về đêm của thành phố.
Đặng Ngọc Tiến - Trưởng nhóm SOS Đà Nẵng |
"Lúc ấy, tôi đã nghĩ nếu bây giờ có ai giúp đỡ thì mình sẽ biết ơn lắm"
Anh Đặng Ngọc Tiến (27 tuổi), sinh ra tại Quảng Nam, nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Công việc chính của anh là kinh doanh online với thu nhập ở mức ổn. Ngoài công việc ấy, Tiến còn một nhiệm vụ khác mà đối với anh nhiều khi còn quan trọng hơn cả công việc chính đó là chủ nhiệm câu lạc bộ SOS Đà Nẵng.
Câu lạc bộ SOS Đà Nẵng - Những hiệp sĩ đường phố không ngừng hoạt động vì cộng đồng (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Kể về cơ duyên dẫn đến thành lập nhóm, anh Tiến cho biết, khi trước, anh cùng với các anh em khác hay đi về khuya, nhiều lần đi giữa đường gặp người lớn tuổi hay người lao công đi làm về bị hỏng xe, hỏng lốp hay bị tai nạn…Nhóm chỉ giúp được họ bằng cách đẩy xe về nhà giúp, hoặc gọi đội sửa xe lưu động nhưng đội sửa xe lưu động lấy giá cao vì thời điểm đó đã vào đêm khuya.
"Sau nhiều lần chứng kiến những trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo, giữa đêm khuya mà không có ai hỗ trợ. Từ đó, chúng tôi quyết tâm thành lập nhóm cứu hộ này. Ban ngày, chúng tôi làm việc, đêm đến, chúng tôi sẵn sàng có mặt trên mọi nẻo đường của Đà Nẵng, sẵn lòng giúp đỡ những người không may gặp sự cố xe cộ, tai nạn, cướp giật", anh Tiến cho biết.
Gặp sự cố xe cộ vào ban đêm là điều khó khăn với bất kỳ ai (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Khi quyết định thành lập câu lạc bộ, anh Tiến đã phải giấu gia đình vì sợ mọi người không ủng hộ, do tính chất công việc khá nguy hiểm khi luôn phải ra ngoài vào ban đêm. Nhưng bằng sự nhiệt huyết và nghiêm túc, gia đình đã chấp nhận để anh thực hiện công việc tình nguyện mà anh đam mê.
Anh cho biết nhóm đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2019 với tên là Báo đêm Đà Nẵng nhưng sau đó thấy cái tên có vẻ chưa thân thiện, chưa mang được sức lan tỏa nên đổi thành nhóm "SOS Đà Nẵng". Những ngày đầu khi mới hoạt động, đội cứu hộ chỉ có 4-5 người, mọi kinh phí đều do anh Tiến và các thành viên tự bỏ tiền túi để duy trì.
Anh khẳng định: "Ban đầu đội chỉ mua những dụng cụ thiết yếu. Qua thời gian, có nhiều trường hợp xe hỏng khác nhau, đội phải mua thêm nhiều dụng cụ khác. Bốn anh em đều góp một ít, để cùng nhau hoạt động. Tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế của mỗi người, nhưng khi nghĩ đến việc có thể giúp đỡ được nhiều người, thì chúng tôi đều cảm thấy thoải mái".
CLB SOS Đà Nẵng những ngày đầu thành lập (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Khi ấy, anh Tiến cùng đội cứ rong ruổi khắp các nẻo đường ở Đà Nẵng, thấy người bị nạn là dừng lại giúp đỡ miễn phí. Nhóm hoạt động khoảng từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, chia ra 2 khu vực, mỗi khu vực có người phụ trách riêng. Địa bàn hoạt động của nhóm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) đến đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu), khu vực trung tâm thành phố và ven đường biển nam Hội An (tỉnh Quảng Nam).
SOS Đà Nẵng trong chuyến cứu hộ ở đèo Hải Vân (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Chia sẻ về chuyến cứu hộ đầu tiên của đội, anh Tiến kể: "Đó là lúc 1h sáng ở trên đèo Hải Vân, có hai cô chú lớn tuổi đi chở hàng bị thủng lốp. Khi biết thông tin, đội đã lập tức chạy lên đèo để hỗ trợ. Lúc đầu cô chú tỏ ra khá sợ hãi và đề phòng nhưng đội đã chủ động đến giới thiệu và sửa xe giúp, sau đó dẫn cô chú về qua đèo luôn. Nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của cô chú mà bao mệt mỏi của cả đội tan biến hết".
Tiến thường xuyên chia sẻ những người có hoàn cảnh khó khăn trên trang cá nhân của mình để kêu gọi sự giúp đỡ từ mọi người (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Vừa phải cân bằng giữa công việc kinh doanh của riêng minh và duy trì hoạt động câu lạc bộ, anh Tiến cũng không thể tránh khỏi những lần mệt mỏi và áp lực. Anh bộc bạch: "Sau thời gian dài hoạt động thì hiện nay, đội không chỉ đi cứu hộ xe nữa mà còn làm nhiều công việc thiện nguyện khác như: hỗ trợ các em nhỏ vùng cao, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là chạy xe cứu thương 0 đồng,..Chính vì vậy, lượng công việc thường xuyên quá tải trong khi số lượng thành viên thì có hạn khiến tôi khá 'cân não'".
Với những đóng góp và cống hiến ấy, đội cứu hộ nói chung cũng như anh Tiến nói riêng đã giành được rất nhiều tình cảm từ những người dân của thành phố Đà Nẵng. "Mình luôn nhận được những sự động viên tinh thần rất lớn, mỗi khi đội có sự cố gì, luôn có sự ủng hộ của mọi người ở bên. Đội cũng có các mạnh thường quân đồng hành một thời gian dài, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đội về kinh phí để duy trì hoạt động", anh chia sẻ với khuôn mặt rạng rỡ.
Nhiều mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất cho cả đội (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Thù lao là những nụ cười và lời cảm ơn
Trong suốt gần 5 năm hoạt động, anh Tiến đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, với nhiều những hoàn cảnh khác nhau. Khi nhớ về chuyến cứu trợ khó khăn nhất, anh hào hứng chia sẻ: "Đó là đợt bà con hồi hương từ tâm dịch ở Sài Gòn về miền Bắc. Theo lộ trình thì bà con sẽ nghỉ chân ở Đèo Hải Vân. Lúc đó, Đà Nẵng đang là tâm dịch, bị cách ly cả thành phố. Đội mình được công an thành phố điều động đi hỗ trợ sửa xe, đưa lương thực, nước uống cho bà con xuyên suốt 2 tháng.
Kỷ niệm hỗ trợ bà con trong tâm dịch là kỷ niệm để lại ấn tượng nhất với anh Tiến (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Lúc đó anh em trong đội vừa phải mang đồ cứu trợ; vừa mặc đồ bảo hộ trong thời tiết nóng nực, thêm tâm lý sợ bị Covid, nên rất vất vả. Nhưng khi nhìn thấy sự khó khăn của bà con, có những chiếc xe máy chở tới 5 người, hay từng đoàn người đi bộ từ nam ra bắc, có những người 1-2 ngày chưa ăn gì… bản thân mình lại có thêm động lực để đi giúp đỡ, đổi lại những nụ cười rạng rỡ của bà con. Đây cũng chính là chuyến đi cứu trợ để lại trong mình nhiều cảm xúc nhất".
Ngoài hỗ trợ cứu hộ xe, anh Tiến còn tham gia chạy xe cứu thương 0 đồng (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Chia sẻ về dự định tương lai với công việc này, anh Tiến hi vọng: "Hiện tại mình cũng chưa đặt ra một mốc nào cả, mình cứ cố được đến hay đến đó. Sau này, tới lúc mình muốn dành thời gian cho gia đình, mình sẽ tìm những bạn trẻ có chung chí hướng, có chung nhiệt huyết, máu lửa giống mình để truyền lại".
"Rất hạnh phúc" đó là ba từ mà anh Tiến dùng để nói về công việc này. Từ khi bắt đầu có ý nghĩ thành lập đội cứu hộ, cho đến xuyên suốt thời gian hoạt động, slogan của đội vẫn luôn là "Hãy trả phí bằng nụ cười của bạn". Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, anh đều động viên các thành viên hãy nghĩ tới nụ cười của mọi người sau khi được sự giúp đỡ để tiếp tục làm những công việc thiện nguyện cho xã hội.
Những chiến dịch thiện nguyện của SOS Đà Nẵng (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Hiện tại, bên cạnh tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh Tiến còn dành thời gian tham gia các khóa tu ngắn hạn cũng như lên chùa phụ các sư thầy trong những ngày lễ. Anh chia sẻ: "Đây là một niềm vui mà mình mới biết trong thời gian gần đây. Lên chùa giúp cho tâm mình tịnh hơn để tiếp tục sáng suốt, theo đuổi con đường cứu giúp mọi người của mình".
Tham gia các khóa tu ngắn hạn, lên chùa phụ các sư thầy là những niềm vui nhỏ của Đặng Ngọc Tiến (thứ tư từ trái qua phải) (Ảnh: Đặng Ngọc Tiến) |
Là một người trẻ, anh Tiến luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy tích cực đi tham gia thiện nguyện. Chỉ cần đi thử một lần và giành trọn cái tâm của mình vào từng hoạt động, bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn thấy những nụ cười của mọi người.
Hải Ly - Việt Hà
Tham khảo thêm
Liên hệ tin bài, họp báo, bảo trợ truyền thông:
media@goldstar.com.vn